Micro (Microphone) là gì ? Các loại micro phổ biến trong thị trường ?
Micro (Microphone) là gì ? Các loại micro phổ biến trong thị trường ?
Microphone là thiết bị cơ bản và quan trọng trong hệ thống âm thanh thường xuất hiện trong các buổi giải trí karaoke, trường học hay trong dàn âm thanh âm thanh gia đình và trên các sàn diễn sân khấu chuyên nghiệp nhưng bạn đã biết rõ micro là gì và các loại micro thông dụng trên thị trường. Hãy Cùng công ty GMusic tìm hiểu ngay về microphone là gì, cách phân loại micro cũng như thông số căn bản của micro trên thị trường.
Microphone là gì ?
Microphone hay còn gọi là Micro là thiết bị quan trọng trong việc thu âm và tái tạo âm thanh, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như phát thanh, truyền hình, âm nhạc, hội nghị, và các sự kiện trực tiếp. Với vai trò chuyển đổi tín hiệu âm thanh từ dạng sóng âm thành tín hiệu điện, microphone đóng vai trò thiết yếu trong các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, micro là loại cảm biến âm thanh giúp chuyển đổi dao động âm thanh thành tín hiệu điện. Micro thường được dùng trong các dàn âm thanh karaoke, âm thanh sân khấu, hay trong giảng dạy. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại microphone với các đặc tính và ứng dụng khác nhau.
Cấu tạo của Microphone ?
Cấu tạo của micro có thể khác nhau tùy theo loại và công nghệ sử dụng, nhưng nhìn chung, một micro sẽ bao gồm các thành phần chính sau:
- Màng rung (Diaphragm): Đây là một tấm màng mỏng, nhạy cảm với âm thanh. Khi sóng âm chạm vào màng rung, nó sẽ rung động theo tần số của sóng âm. Màng rung có thể được làm từ các vật liệu khác nhau như nhựa, kim loại mỏng hoặc giấy, tùy thuộc vào loại micro và ứng dụng cụ thể.
- Hệ thống chuyển đổi năng lượng (Transducer): Tùy thuộc vào loại micro, hệ thống chuyển đổi năng lượng sẽ khác nhau:
- Micro Dynamic: Sử dụng cuộn dây di chuyển (moving coil) và một nam châm vĩnh cửu. Cuộn dây được gắn vào màng rung và di chuyển trong từ trường của nam châm khi màng rung rung động.
- Micro Condenser: Sử dụng hai tấm điện cực tạo thành một tụ điện. Một trong hai tấm này là màng rung. Khi màng rung di chuyển, khoảng cách giữa hai tấm thay đổi, gây ra sự thay đổi điện dung và tạo ra tín hiệu điện.
- Micro Ribbon: Sử dụng một dải kim loại mỏng (ribbon) treo trong từ trường. Khi sóng âm làm dải kim loại rung động, nó di chuyển trong từ trường và tạo ra dòng điện cảm ứng.
- Bộ khuếch đại tín hiệu (Preamp): Một số loại micro, đặc biệt là micro condenser, yêu cầu bộ khuếch đại tín hiệu để khuếch đại tín hiệu yếu thành tín hiệu mạnh hơn trước khi được truyền đi. Bộ khuếch đại này thường được tích hợp bên trong micro.
- Vỏ bảo vệ (Housing): Vỏ micro bảo vệ các thành phần bên trong khỏi bụi, ẩm và các tác động vật lý. Nó cũng giúp định hình hướng thu âm và giảm thiểu các âm thanh không mong muốn.
Micro thuộc thiết bị gì trong hệ thống âm thanh ?
Micro được xem là một thiết bị tạo tín hiệu vì micro là nơi nhận âm thanh và rồi qua các thiết bị xử lý âm thanh như Mixer hay equalizer, truyền qua thiết bị khuếch đại như amply và xuất ra loa để đến tai người nghe.
Cách phân loại micro phổ biến hiện nay
Dựa trên nguyên lý hoạt động
Nguyên lý hoạt động của microphone phụ thuộc vào loại công nghệ được sử dụng để chuyển đổi sóng âm thành tín hiệu điện. Dưới đây là mô tả nguyên lý hoạt động của ba loại microphone phổ biến nhất: micro dynamic, micro condenser, và micro ribbon.
Micro điện động ( Dynamic microphone)
Nguyên lý hoạt động: Micro dynamic hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ. Khi sóng âm chạm vào màng rung, màng rung sẽ chuyển động cùng với cuộn dây được gắn vào nó. Cuộn dây này nằm trong từ trường của một nam châm vĩnh cửu. Khi cuộn dây di chuyển trong từ trường, một dòng điện cảm ứng sẽ được tạo ra trong cuộn dây. Cường độ và tần số của dòng điện cảm ứng này tương ứng với cường độ và tần số của sóng âm ban đầu, tạo ra một tín hiệu điện tương ứng với âm thanh.
Ưu điểm: Micro dynamic nổi bật với độ bền cao, có khả năng chịu được áp suất âm thanh lớn mà không bị biến dạng âm thanh. Chúng không cần nguồn điện để hoạt động, dễ sử dụng và ít bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và nhiệt độ.
Ứng dụng: Micro dynamic thường được sử dụng trong các buổi biểu diễn trực tiếp, thu âm nhạc cụ mạnh mẽ như trống và guitar điện do độ bền cao và khả năng chịu được áp suất âm thanh lớn. Ví dụ Micro dynamic e835 của Sennheiser là một lựa chọn phổ biến cho các ca sĩ và diễn giả. Với khả năng chống nhiễu và tái tạo âm thanh trung thực, e 835 giúp giảm thiểu tiếng ồn môi trường và mang lại chất lượng âm thanh rõ ràng.
Micro điện dung ( Condenser microphone)
Nguyên lý hoạt động : Micro condenser sử dụng hai tấm điện cực (một tấm cố định và một tấm là màng rung) tạo thành một tụ điện. Khoảng cách giữa hai tấm này tạo ra một điện dung. Khi sóng âm làm rung động màng rung, khoảng cách giữa hai tấm điện cực thay đổi, dẫn đến thay đổi điện dung. Sự thay đổi này tạo ra một dòng điện nhỏ tương ứng với sóng âm. Do tín hiệu tạo ra rất nhỏ, micro condenser cần một nguồn điện bên ngoài (thường là nguồn Phantom 48V từ mixer hoặc thiết bị ghi âm) để cấp nguồn cho bộ khuếch đại tín hiệu tích hợp bên trong micro.
Ưu điểm: Micro condenser có độ nhạy cao và khả năng tái tạo dải tần rộng, từ âm trầm sâu đến âm cao sắc nét. Điều này giúp chúng thu được âm thanh chi tiết và chính xác hơn, phù hợp cho việc thu âm trong phòng thu chuyên nghiệp.
Ứng dụng: Micro condenser thích hợp cho thu âm trong phòng thu và các ứng dụng yêu cầu độ nhạy cao và khả năng tái tạo âm thanh chi tiết như ghi âm giọng hát và nhạc cụ.Ví dụ Micro condenser MK4 của Sennheiser là một micro thu âm phòng thu với màng lớn, mang lại âm thanh ấm áp và tự nhiên, lý tưởng cho việc thu âm giọng hát và nhạc cụ.
Micro dải băng (Ribbon Microphone)
Nguyên lý hoạt động : Micro ribbon sử dụng một dải kim loại mỏng được treo trong từ trường của một nam châm. Dải kim loại này đóng vai trò như cả màng rung và cuộn dây. Khi sóng âm chạm vào dải kim loại, nó sẽ rung động trong từ trường, tạo ra một dòng điện cảm ứng tương ứng với sóng âm. Micro ribbon tạo ra âm thanh rất tự nhiên và mượt mà, do đó được ưa chuộng trong các phòng thu âm chuyên nghiệp.
Ưu điểm: Micro ribbon cho âm thanh rất tự nhiên, ấm áp và mượt mà, thường được ưa chuộng trong các phòng thu âm chuyên nghiệp để thu giọng hát và nhạc cụ cổ điển.
Ứng dụng: Micro ribbon thường được sử dụng để thu âm giọng hát và các nhạc cụ cần âm thanh ấm áp, mượt mà và tự nhiên.
Dựa trên nhu cầu sử dụng
Micro có dây:
. Khái niệm: Micro có dây là micro mà tín hiệu được truyền tải qua dây cáp. Chất liệu micro bền bỉ thường làm bằng thép không gỉ hay nhôm cao cấp nên độ bền rất cao.
. Cách sử dụng: Để sử dụng micro có dây, bạn chỉ cần cắm trực tiếp vào dây của micro vào mixer. Tuy nhiên, để tránh tiếng hú, thì khoảng cách dây không quá 20cm và cầm thân giúp chất lượng âm thanh đảm bảo.
. Ưu điểm: micro có dây chuyên nghiệp và chính hãng là chi phí thấp từ 700 ngàn cho đến 10 triệu và có kết nối ổn định từ đó tránh tình trạng trễ tín hiệu cũng như ít bị nhiễu.
. Ứng dụng: Hiện nay, micro có dây được sử dụng rộng rãi trong sân khấu, phòng thu, quán karaoke, …
Micro không dây
. Khái niệm: Micro không dây là micro mà tín hiệu được biến đổi thành sóng vô tuyến như UHF, VHF hay AM truyền đến bộ thu.
. Cách sử dụng: Một bộ micro không dây sẽ gồm có: bộ thu vớic chức năng nhận âm thanh và chuyển đổi âm thanh sang sống vô tuyến. Sau đó, bộ xử lý sẽ nhận tín hiệu được phát ra bộ thu và chuyển sang tín hiệu điện. Tín hiệu điện đi qua bộ xử lý âm thanh và bộ khuếch đại rồi truyền đến loa.
. Ưu điểm: micro không dây là nhỏ gọn, thuận tiện di chuyển và có vẻ ngoài bắt mắt.
. Ứng dụng: micro không dây có cấu tạo nhỏ gọn nên được dùng rộng rãi trong giảng dạy, giải trí, hát karaoke..
Micro không dây còn có rất nhiều loại cho nhiều nhu cầu:
- Micro không dây cầm tay: Phù hợp cho ca sĩ, diễn giả hoặc MC trong các sự kiện trực tiếp.
- Micro đeo tai không dây: Micro đeo tai có thiết kế với micro để gần miệng giúp thu âm thanh rõ nét và chi tiết hơn. Phần thân được gắn trên tai cực kì chắc chắn giúp bạn rảnh tay và dễ di chuyển hơn. Chính vì vậy, đây là dòng micro không dây dành cho giáo viên hay micro dành cho ca sĩ chuyên nghiệp.
- Micro cài áo không dây: đây cũng là dòng micro phù hợp cho dạy học, dẫn chương trình. Micro cài áo sẽ nhỏ gọn hơn micro đeo tai giúp bạn trông chuyên. Đây là dòng sản phẩm phù hợp cho MC dẫn các chương trình hay để giảng dạy.
Dựa trên công dụng
Micro thu âm phòng thu (Studio Microphone)
Micro thu âm phòng thu được thiết kế để thu lại âm thanh chất lượng cao và chi tiết nhất trong môi trường kiểm soát. Chúng thường có độ nhạy cao và khả năng tái tạo âm thanh với dải tần rộng. Thường sử dụng loại Micro Condenser và Micro Ribbon
- Ví dụ: Sennheiser MK4
Micro biểu diễn trực tiếp (Live Performance Microphone)
Micro biểu diễn trực tiếp được thiết kế để sử dụng trong các buổi biểu diễn trực tiếp, với yêu cầu độ bền cao và khả năng chống ồn tốt. Thường sử dụng loại Micro Dynamic, Micro Wired (micro có dây) hoặc Micro Wireless (Không dây)
- Ví dụ: Sennheiser e965.
Micro ghi âm phỏng vấn và truyền hình (Broadcast and Interview Microphone)
Các loại micro này được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong các ứng dụng truyền hình, phát thanh và phỏng vấn. Thường sử dụng loại :
- Micro Lavalier (cài áo): Nhỏ gọn và không gây chú ý, thích hợp cho các chương trình truyền hình, hội thảo, và ghi âm phỏng vấn. Thường là micro omnidirectional để thu âm đều từ mọi hướng.
- Ví dụ: Sennheiser ME2, Sennheiser ME4
- Micro Shotgun: Có khả năng thu âm từ khoảng cách xa và tập trung vào một hướng cụ thể, giúp loại bỏ âm thanh không mong muốn từ các hướng khác. Thích hợp cho ghi hình ngoài trời, phim trường, và phát thanh.
Micro hội nghị và thuyết trình (Conference and Presentation Microphone)
Micro này được sử dụng trong các phòng hội nghị, phòng họp và thuyết trình để thu âm giọng nói rõ ràng và trung thực.
- Micro Gooseneck (Cần cổ ngỗng): Có thể điều chỉnh vị trí và góc độ thu âm dễ dàng, thường được đặt trên bàn hoặc bục thuyết trình.
- Ví dụ: Sennheiser MEG 14-40, Sennheiser MZH 3042.
- Micro Boundary (Bề mặt): Được đặt trên bàn để thu âm giọng nói của nhiều người tham gia trong phòng họp. Thích hợp cho các cuộc họp nhóm, hội nghị trực tuyến.
- Ví dụ: Sennheiser e 912, Sennheiser MEB 114.
Micro cho nhạc cụ (Instrument Microphone)
Micro này được thiết kế đặc biệt để thu âm nhạc cụ, từ nhạc cụ mộc đến nhạc cụ điện.
- Micro Drum: Được thiết kế để chịu được áp suất âm thanh cao và tái tạo âm thanh của bộ trống một cách chính xác. Thường là micro dynamic.
- Ví dụ: Sennheiser e 602-II (cho bass drum), Sennheiser e 604 (cho toms).
- Micro Guitar và Amplifier: Thường là micro dynamic với khả năng chịu áp suất âm thanh cao, hoặc micro condenser nhỏ để thu âm chi tiết.
- Ví dụ: Sennheiser e 609, Sennheiser e 906.
Micro không gian lớn (Room or Ambience Microphone)
Micro này được sử dụng để ghi lại âm thanh của không gian lớn, như trong các buổi hòa nhạc, nhà thờ, hoặc các sự kiện ngoài trời.
- Micro Omnidirectional (Toàn hướng): Thu âm từ mọi hướng, giúp ghi lại âm thanh môi trường một cách trung thực.
- Ví dụ: Sennheiser MKH 8020, Sennheiser MKH 20.
Thông số micro căn bản cần biết khi mua micro
Loại Micro (Microphone Type)
Micro có nhiều loại khác nhau như dynamic, condenser, ribbon, mỗi loại có đặc tính và ứng dụng riêng :
- Micro Dynamic: Thường bền, không cần nguồn điện, phù hợp cho biểu diễn trực tiếp và thu âm nhạc cụ mạnh mẽ.
- Micro Condenser: Có độ nhạy cao, cần nguồn điện (thường là Phantom Power), phù hợp cho thu âm phòng thu và các ứng dụng yêu cầu tái tạo âm thanh chi tiết.
- Micro Ribbon: Cho âm thanh tự nhiên và mượt mà, thường dùng trong phòng thu để thu giọng hát và nhạc cụ cổ điển.
Hướng Thu (Polar Pattern)
Hướng thu của micro quyết định cách micro thu âm thanh từ các hướng khác nhau:
- Cardioid (Tim): Thu âm tốt nhất từ phía trước, giảm thu âm từ hai bên và phía sau. Phù hợp cho biểu diễn trực tiếp và ghi âm trong môi trường nhiều tiếng ồn.
- Supercardioid và Hypercardioid: Tương tự cardioid nhưng thu âm từ phía trước nhiều hơn và ít từ hai bên, thường dùng trong các môi trường rất ồn.
- Omnidirectional (Toàn hướng): Thu âm từ mọi hướng, phù hợp cho các ứng dụng ghi âm phỏng vấn nhóm hoặc ghi lại âm thanh môi trường.
- Bidirectional (Hai hướng): Thu âm từ phía trước và phía sau, ít từ hai bên, dùng trong phỏng vấn đối mặt hoặc ghi âm hai người cùng micro.
Xem thêm bài Hướng Thu (Polar Pattern) của Microphone là gì ?
Độ nhạy (Sensitivity)
Độ nhạy của micro cho biết khả năng của micro chuyển đổi âm thanh thành tín hiệu điện. Độ nhạy cao có nghĩa là micro có thể thu được âm thanh nhỏ hơn và chi tiết hơn.
- Micro Condenser thường có độ nhạy cao, phù hợp cho phòng thu nơi cần thu âm thanh chi tiết.
- Micro Dynamic có độ nhạy thấp hơn, phù hợp cho các ứng dụng nơi áp suất âm thanh lớn và cần sự bền bỉ.
Xem thêm bài Độ nhạy (Sensitivity) của Microphone là gì ?
Đáp tuyến tần số (Frequency Response)
Đáp tuyến tần số cho biết micro có thể tái tạo dải tần số âm thanh rộng đến đâu, từ âm trầm (bass) đến âm cao (treble). Đáp tuyến tần số thường được biểu thị bằng một dải (ví dụ: 20 Hz - 20 kHz).
- Micro cho giọng hát thường có đáp tuyến tần số rộng với độ nhạy cao ở dải tần số trung để giọng hát rõ ràng hơn.
- Micro cho nhạc cụ có thể có đáp tuyến tần số phù hợp với loại nhạc cụ cụ thể để tái tạo âm thanh một cách trung thực nhất.
Trở kháng (Impedance)
Trở kháng là mức độ kháng cản dòng điện trong micro, được đo bằng ohm (Ω).
- Micro trở kháng thấp (< 600 Ω) thường được sử dụng trong các hệ thống âm thanh chuyên nghiệp vì ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu từ dây cáp dài.
- Micro trở kháng cao (> 1000 Ω) thường dùng cho các ứng dụng gia đình hoặc không chuyên nghiệp.
Nguồn cung cấp (Power Requirements)
Một số micro, đặc biệt là micro condenser, yêu cầu nguồn điện để hoạt động, gọi là Phantom Power (thường là 48V).
- Đảm bảo rằng thiết bị âm thanh của bạn (như mixer, preamp) có khả năng cung cấp Phantom Power nếu bạn sử dụng micro condenser.
Kết nối (Connector Type)
Loại kết nối micro cũng quan trọng, quyết định micro có tương thích với thiết bị của bạn hay không:
- XLR: Chuẩn kết nối phổ biến cho micro chuyên nghiệp, cung cấp kết nối cân bằng (balanced) giúp giảm nhiễu.
- USB: Phù hợp cho ghi âm trực tiếp vào máy tính, lý tưởng cho podcasting, stream và ghi âm gia đình.
- Jack 3.5mm hoặc 6.3mm: Thường được sử dụng cho các micro phổ thông hoặc các thiết bị không chuyên.
Tổng kết
Micro đóng vai trò không thể thiếu trong mọi ứng dụng âm thanh, từ thu âm phòng thu đến biểu diễn trực tiếp và phát thanh. Việc lựa chọn đúng loại micro phù hợp với nhu cầu sử dụng sẽ giúp tối ưu hóa chất lượng âm thanh và hiệu suất làm việc. Sennheiser, với các dòng sản phẩm đa dạng và chất lượng cao, là lựa chọn đáng tin cậy cho mọi nhu cầu âm thanh, từ người dùng nghiệp dư đến các chuyên gia âm thanh chuyên nghiệp. Nếu bạn đang tìm kiếm micro chất lượng cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng, Sennheiser là thương hiệu không thể bỏ qua.
Hy vọng qua bài viết này, Gmusic có thể cung cấp cho các bạn có thể hiểu hơn về micro là gì và các loại micro.